Augustinô Phan Viết Huy
Dâng sớ biểu lộ niềm tin.
Một ngày mùa hạ năm 1839, vua Minh Mạng rời hoàng cung đi dạo và quan sát dân tình Huế. Tất cả sinh hoạt đều tạm ngưng, mọi người phải dạt vào lề đường, chờ xa gía nhà vua đi qua mới tiếp tục công việc mình được. Nhưng kìa, có hai người lính không thuộc đội cận vệ, bỗng từ đâu xuất hiện, tiến ra và quỳ rạp trước kiệu rồng, hai tay nâng cao trên trán một tờ sớ viết bằng chữ Hán. Viên quan nhận sớ trình cho vua xem. Tuy chỉ có hai người lính, nhưng số sớ tên ba người, là các ông Phan Viết Huy, Bùi Đức Thể, Đinh Đạt. Nội dung lá đơn ấy như sau : "Cha ông chúng tôi đã theo đạo Gia Tô, năm ngoái các quan tra tấn ép buộc bước qua Thánh Giá, chúng tôi đã miễn cưỡng làm theo, chứ thực tâm không muốn. Nay chúng tôi xin tiếp tục giữ đạo để tròn đạo hiếu với cha ông chúng tôi".
Đó là biến cố chính đưa đến cái chết tử đạo của ba quân nhân xã Lục Thủy, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Augustinô Phan Viết Huy sinh năm 1795 tại làng Hạ Linh, thuở bé có dâng mình cho Chúa, chuẩn bị làm thày giảng, nhưng sau xin ra ngoài lập ga đình, ông đã phục vụ trong quân ngũ mười năm. Người thứ hai là ông Nicolas Bùi Đức Thể sinh năm 1792 tại làng Kiên Trung, tính đến ngày vị bắt, ông mới đi lính được một tháng. Người thứ ba là Đaminh Đinh Đạt sinh năm 1803 tại làng Phú Nhai, tuy ít tuổi nhất nhưng ông đã gia nhập quân đội được 12 năm.
Đâu phải lính là can đảm.
Tổng đốc Nam Định bấy giờ là ông Trịnh Quang Khanh. Năm 1838, ông đã từng bị triệu về kinh và bị khiển trách vì tội lơ là việc thi hành bắt đạo của vua. Từ đó, ông trở thành một thứ "hùm xám" tỉnh Nam Định, thề quyết không đội trời chung với "Gia Tô tả đạo", cho quân đi lùng bắt khắp nơi. Để công việc có hiệu quả, đối tượng đầu tiên ông quan tâm là thanh lọc lại ngay trong hàng ngũ quân đội, những người ông sẽ phái đi thi hành truy lùng trong đân chúng.
Sau nhiều ngày suy tính kế hoạch và chuẩn bị, Tổng đốc tổ chức đại tiệc chiêu đãi tất cả các binh sĩ Công Giáo ở Nam Định, dựa vào lý lịch của họ. Hôm đó có khoảng 500 anh em đến dự. Trong bữa tiệc, Tổng đốc đưa ra những lời hứa hẹn và ban thưởng dành cho những ai trung thành với vua. Ông cũng khéo léo đe dọa những ai cố chấp không bỏ tà đạo. Khi tiệc đã tàn, ông cho mời hết thảy vào dinh để thử lòng họ. Tại đây, quan để sẵn những dụng cụ tra tấn như gông cùm, xiềng xích, roi kìm… và đặt tượng Thánh Giá dưới dất. Tất cả được tự do chọn lựa, bước qua ảnh Chuộc Tội, hoặc chịu gia hình thì tùy ý. Tiếc thay trong số 500 lính hôm đó chỉ có 15 người trung kiên, từ chối bước qua tượng ảnh Chúa, còn bao nhiều đều nhát sợ bỏ đạo. Tức khắc 15 người kia bị bắt giam vào trong ngục tối.
Ngày hôm sau, quân lính đưa 15 tín hữu này ra công đường, đánh đòn và bắt ép các ông bước qua ảnh Chúa, sáu người sờn lòng bỏ cuộc, chỉ còn 9 người vững vàng trước trận đòn chí tử. Cả 9 bị tống giam vào ngục. Ba ông Huy, Thể, Đạt thuộc nhóm 9 người này. riêng ông Huy, vì trước đậy có lấy vợ nhỏ ở tỉnh, đêm hôm đó trốn ra ngoài xưng tội và làm tờ cam bỏ vợ nhỏ với cha Năng tại họ Phúc Đường, rồi trở vô tù với anh em.
Ngày thứ ba, chín người trên lại được đem ra trình diện với quan, Tổng đốc hứa thưởng tiền cho ai bỏ đạo. Thoạt đầu không ai nge lời, quan ra lệnh đánh đật tàn nhẫn, rồi cho lính đánh vào đầu ngón tay từng người. Chịu không nổi, bốn người bỏ cuộc, chỉ còn năm vị cương quyết trung thành với Chúa. Đầu tháng 6, vua Minh Mạng phái thêm tướng Lê Văn Đức đem 2000 kinh binh ra tăng viện cho Nam Định. Viên tướng này vừa tới nơi đã là người cộng tác rất đắc lực với Tổng đốc trong cuộc bách hại. Ngày 25.06, khi đem Đức Cha Henares Minh và thày Chiểu ra sử tử, tướng Lê văn Đức cho dẫn năm binh sĩ bướng bỉnh ra pháp trường, có ý hù dọa để các ông sợ. Không ngờ các ông đều tỏ ra hân hoan vì tưởng sắp chết vì đạo.
Chỉ còn ba người trung tín
Thấy thế quan lại cho giải năm ông trở về trại giam. Ít bữa sau, quan truyền gọi năm ông ra tòa, mới đầu quan dùng lời ngon dụ dỗ, nhưng không thành công, liền thịnh lộ sai quân lính khiêng hai đầu gông từng người kéo lê trên tượng Chúa, các ông liền co chân lên. Họ lấy ro đánh túi bụi, vừa đánh vừa kéo chân cá ông xuống đạp lên ảnh thánh. Thêm hai binh sĩ nữa bỏ cuộc sau trận đòn này, chi còn ba ông Huy, Thể và Đạt kiên quyết trả lời với quan rằng: "Các ngài cưỡng bách chúng tôi đạp lên tượng Chúa, nhưng lòng chúng tôi khôngchiều theo, thì chẳng phải chúng tôi bỏ đạo đâu". Quan liền cho lệnh đóng gông thật nặng và giam cả ba vào trong ngục.
Từ đó trở đi, ba ông còn phải chịu nhiều cuộc tra tấn khác nữa. Khi thì mỗi người 24 roi, khi thì 150 roi. Một lần quan dùng lý luận khuyên các ông bỏ đạo tà, ông Huy thay mặt anh em đáp lại : "Quan lớn dạy chúng tôi bỏ đạo Thiên Chúa, thì chúng tôi theo đạo nào bây giờ ? Chúng tôi chỉ theo đạo thật thôi". Quan hét lên : "Nếu đạo chúng bay là đạo thật, sao Đức Vua lại nghiêm cấm ?". Bấy giờ ông Huy có dịp sử dụng những gì xưa đã học khi chuẩn bị làm thày giảng, để cắt nghĩa các lẽ đạo và trả lời cách mạch lạc sáng sủa những câu hỏi quan đặt ra. Thấy mình đuối lý, quan cho lệnh giam ba ông với linh mục Giacobê Năm, ông Lý Mã và ông Trùm Đích. Cha Năm hỏi ba ông: "Hôm nay thế nào, được hay thua?". Các ông đáp : "Chúng con chẳng chịu quá khóa, nên quan đã làm án xử rồi".
Thế nhưng các ông chưa được vua Minh Mạng châu phê. Vua truyền các quan bằng mọi cách bắt ba ông bỏ đạo vì "khi dầu đã đứt, chẳng còn phép chi nối lại được nữa". Giai đoạn này, Trịnh Quang Khanh đang bị ngưng chức Tổng đốc, Tổng trấn Lê Văn Đức tạm thay quyền đã cho lệnh đóng gông và dưa ba chiến sĩ Đức Kitô phơi nắng chỗ công cộng, ông Huy và Thể ở cửa Đông, ông Đạt ở cửa Nam suốt 21 ngày liền, mọi người đi qua đều tự do hành hạ, sỉ nhục tùy ý. Nhưng quan lại một lần nữa thất bại.
Tháng 10.1838, Trinh Quang Khanh được phục chức Tổng đốc, nên hết lòng tìm cách đền đáp ơn vua. Tổng đốc hco những người đã bỏ đạo trước đây vào ngục thất khuyên dụ dỗ ba ông bỏ đạo, nhưng những người này bị các ông khiển trách là kẻ hèn nhát dại dột, nên mắc cỡ không giám nói năng gì cả. Tổng đóâ chuyển sang kế hoạch mới, dọa nạt vợ con, thân nhân, bạn bè của ba ông, bắt họ vào nài nỉ dụ dỗ, hy vọng các ông sẽ xiêu lòng. Nhưng cả ba vị vẫn cương quyết trung thành với Chúa.
Một phút lầm lỡ…. Và thống hối
Cuối cùng Tổng đốc cho gọi các kỳ mục ba làng Hạ Linh, Kiên Trung, Phú Nhai đến, và ra hẹn trong một tháng phải ép ba chiến sĩ đức tin bỏ đạo, bằng không sẽ bị trừng phạt. Một tháng sau, những người này vẫn chưa hoàn thành được công tác khó khăn ấy. Quan liền tập trung các kỳ mục và cho lệnh đánh đòn họ trước mặt ba người chiến sĩ Đức Kitô. Và lần này ông thành công. Ông Thể động lòng trước cảnh một bô lão làng Kiên Trung chịu đòn thâm tím vì mình, xin quan tha cho cụ bằng cách đồng ý bước qua Thập Giá. Quan vỗ tay reo mừng. Tiếp theo ông Đạt cũng bước qua Thập Giá. Riêng ông Huy vẫn chưa chịu khuất phục.
Đêm hôm đó, quan cho người vào ngục dụ dỗ ông Huy : "Chẳng ai cười chú đâu, vì chú đã chịu khó rất cam đảm. Vua chẳng muốn giết chú, chi bằng cứ bước đại qua Thập Giá để khỏi rầy rà". Ông Huy nghe thấy hơi xiêu lòng, lại thấy hai bạn mình được tự do cả rồi, nên sáng hôm sau ông cũng theo chân các bạn bỏ đạo. Quan cho mỗi người mười quan tiền và cho trở lại trong quân ngũ.
Thế nhưng ba người lính được tự do trở về nhà lại thấy lòng áy náy, lương tâm cắn rứt, các ông không ngờ vụ án mình không chỉ là vấn đề cá nhân. Quá nhiều người quan tâm và cầu nguyện cho các ông mỗi ngày. Do đó việc bỏ đạo của ba người cuối trong nhóm 500 binh sĩ trở thành tin buồn khá lớn lao cho tập thể. Có người không tin các ông đã đạp lên Thánh Giá, dù các ông hoàn toàn nhận lỗi nơi mình, họ bảo rằng chắ các quan dùng thuốc mê khiến các ông mất sáng suốt. Thế là ba ông sau khi xưng tội, bàn bạc với nhau và cương quyết lên tỉnh để tuyên xưng đạo một lần nữa.
Lòng can đảm hy hữu
Đến tỉnh, ba ông vào thẳng dinh quan Tổng đốc trình bày nguyện vọng của mình : "Thưa quan, đạo Thiên Chúa là đạo thật, Chúa chúng tôi thờ là Đấng quyền năng vô biên. Mấy ngày trước chúng tôi đã chót dại qúa khóa. Nay chúng tôi xin trả tiền lại cho quan để được giữ đạo Chúa thật lòng". Quan nghe nói tức giận chửi mắng ba ông thậm tệ, rồi ra lệnh giam vào ngục để tìm cách dụ dỗ như lần trước. Nhưng vì quan đã báo cáo lên vua việc ba ông bỏ đạo lên muốn bỏ qua chuyện, chỉ truyền đánh đòn ba ông rồi rồi duổi ra khỏi dinh. Số tiền các ông trả, quan trao cho hưởng chức ba làng của các ông.
Trở về nhà ba ông cầu nguyện liên lỉ và tiếp tục bàn bãc với nhau, dự tính vào tận kinh đô để tuyên xưng niềm tin. Ba ông hỏi ý kiến cha Tuyên và cha Năng. Các ngài nói tùy ý, chứ tội các ông không buộc phải đến bằng cách đó. Cha Chính Jimenô Lâm (sau này làm Giám Mục giáo phận Đông Đàng Ngoài) nghe tin thì viết thư tán thành sáng kiến đó. thế là ba ông ngổi lại với nhau viết một lá đơn cho vua, bày tỏ niềm tin của mình. Ông Đạt cũng ký vào đơn, nhưng vì đang phải công tác với đội binh nên ở lại. Hai ông Huy và Thể có cơ hội tức tốc khăn gói đi vào Huế.
Trước khi lên đường, cha Tuyên nhắc bảo hai ông phải trông cậy vào Chúa hơn là sức mình, phải cầu nguyện nhiều mới có thể can đảm làm chứng cho đạo Chúa. Hai vị xưng tội một lần nữa, chào giã biệt họ hàng thân thích và xin mọi người góp lời cầu nguyện. Sau 20 ngày đi bộ, các ông vào tới kinh đô đầu tháng 05.1839. Một người con ông Huy mới 16 tuổi cũng theo chân người cha để nghe ngóng tin tức.
Theo thủ tục khi đó, ba ông đến nộp đơn ở tòa Tam Pháp chờ đợi. Các quan nhận đơn, nhưng lại bỏ qua không trình lên vua. Trong thời giam chờ đợi, các ông ở trọ nhà bà Đông, cũng là một tín hữu ở Huế. Sau đó hai vị làm thêm một lá đơn thứ hai, nhưng tòa Tam Pháp vẫn im tiếng làm ngơ như cũ. Thế là các ông phải tính đến một kế hoạch táo bạo hơn. Nhân dịp vua Minh Mạng ngự giá đi dạo trong thành phố. Hai ông đón đường để trình đơn thẳng lên nhà vua. Đọc xong vua nổi giận truyền tống giam cả hai, và giao cho các quan bộ hình cứu xét.
Khổ hình và vinh phúc.
Các quan ở kinh đô khuyến dụ, hứa hẹn nhiều điều, rồi trá tấn đánh đập, nhưng hai nhân chứng vấn cứ trước sau như một, tuyên xưng là những binh sĩ có đạo. Tướng quân Lê Văn Đức ở Nam Định trở về, vì đã từng biết sự gan dạ của hai ông nên nói : "Đừng hy vọng thuyết phục bọn này, đánh chúng chỉ mỏi tay thôi". Một hôm quan hỏi tại sao trong đơn còn có chữ ký của Đinh Đạt, hai ông trả lời : " Thưa quan, anh Đạt cũng không chịu quá khóa, nhưng bận việc quân nên không đi với chúng tôi được. Anh ấy dặn : chúng tôi thế nào, anh ấy cũng như vậy".
Các quan trình bày sự việc lên vua để lãnh ý. Sau đó, theo lệnh vua, quan cho bày trước mặt hai ông mười nén vàng, một tượng Chịu Nạn và một thanh gươm rồi nói : "Cho bay tự ý chọn, bước qua tượng thì được vàng, bằng không thì gươm sẽ chặt đôi người bay ra, xác sẽ bị bỏ trôi ra biển". Hai ông bày tỏ ý muốn chọn gươm. Vua Minh Mạng nổi giận truyền viết bản án sau:
"Trước đây ta đã làm án tử hình, nhưng ta thương chẳng muốn giết, nào ngờ chúng đã mê dại chẳng biết sự phải lẽ. Ta đã mở lối cho chúng ăn năn và chừa cải, song hai tên tội phạm cố chấp theo Gia Tô tả đạo, lại bỏ việc quân vào kinh nộp đơn. Thật là bọn kiêu ngạo đáng khinh, đáng ghét, chẳng thể để sống được nữa. Vậy hai tội phạm Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể phải cho lính đem re biển lấy rìu lớn chặt ngang lưng rồi bỏ xác xuống biển, để ai lấy biết tỏ điều răn cấm …"
Phần sau bản án, vua giao cho Trịnh Quang Khanh việc điều tra ông Đinh Đạt và dặn trình báo lại. Ngày 13.06.1839, quân lính điệu hai ông ra cửa Thuận An thi hành án lệnh. Họ dẫn hai ông lên thuyền chèo ra giữa biển, đặt một Thánh Giá ngay trong thuyền, để thử xem các ông có đổi ý đạp lên chăng. Khi thất vọng, họ trói hai ông vào cột chèo, thay vì chặt ngang lưng, họ chặt đầu trước rồi bổ thân ra làm bốn, ném xuống biển làm mồi cho cá.
Bổ làm tám cũng được
Về phần ông Đinh Đạt, sau khi đi công tác trên tỉnh, ông thu xếp việc nhà và chuẩn bị tâm hồn đón nhận cái chết anh hùng. Cuối tháng 06.1839, một người bạn đồng đội đến báo tin ông Huy và Thể đã bị hành hình, ông đạt tỏ ra rất vui mừng, báo tin cho cha mẹ, bà con, từ giã mọi người. Ông không tính chuyện chạy trốn, chỉ chờ đợi ngày bị bắt. Vợ con khóc lóc, ông lựa lời an ủi và quả quyết Chúa đã lo liệu quan phòng mọi sự. Khi quân lính đến vây bắt, ông lánh mặt ít giờ để xưng tội và rước lễ lần cuối, rồi thản nhiên đi theo họ lên tỉnh. Dọc đường ông sốt sắng lần chuỗi, suy niệm các mầu nhiệm kinh Mân Côi.
Đến Nam Định, lính đưa ông vào gặp Trịnh Quang Khanh, quan Tổng đốc bảo ông : "Hai bạn của ngươi vì cuồng dại không chịu bỏ đạo tà, nên bị chém làm tư quăng xuống biển. Còn ngươi, nếu khôn thì chối bỏ thứ tà đạo đi để về với vợ con". Ông Đạt thẳng thắn thưa : "Tôi đã chịu nhiều cực hình vì đức tin, nay tôi sẵn sàng chịu thêm nhiều cực hình khác nữa. Hai bạn tôi đã được phúc trọng, quan cứ chém tôi làm tám khúc cũng được". Quan biết có đe dọa cũng không thành công, liền lập án gửi về kinh xin xử giảo.
Ông Đạt khi nghe đọc bản án thì rất bình tĩnh, vui mừng đón nhận cái chết gần kề. Ngày 18.07.1839 ông theo lính ra pháp trường Bảy Mẫu, vừa đi vừa chăm chú đọc kinh. Đến nơi xử, ông quỳ tr6en chiếu cầu nguyện giây lát, rồi chờ quân lính tháo gông trên cổ, ông nằm xuống. Lý hình đứng hai bên dùng giây xiết cổ ông cho đến khi tắt thở. Tín hữu làng Phú Nhai thương lượng với quan quân đem thi hài vị anh hùng tử đạo về an táng tại khu đất của người anh cả vị anh hùng. Sau hài cốt của ông Đạt được lưu giữ tại nhà thờ Phú Nhai.
Ngày 27.05.1900, Đức Lêo XIII suy tôn ba vị anh hùng tử đạo : Augustinô Phan Viết Huy, Nicôlas Bùi Đình Thể và Đaminh Đinh Đạt lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh.