Laurensô Ngôn
Sức mạnh của đức tin
Hai mươi tuổi đời, người vợ trẻ yêu dấu còn đó, rồi cha mẹ đã bao năm dưỡng nuôi mình nay đang cần người phụng dưỡng…Đó là nỗi ưu tư lớn của Thánh Laurensô Ngôn trong những ngày bị giam. Nhưng cũng trong những chuyện tích của nhiều vị tử đạo khác tại Việt Nam, sự yểm trợ tinh thần của những người thân quảng đại, nhiều khi lại là yếu tố rất quan trọng. Gia đình anh Ngôn đồng ý cho anh đang chốn về thăm nhà, trở lại nhà giam để trình diện. Chính thân mẫu và người vợ hiền mà anh thương mến nhất, cũng đến hiện diện trong giờ hành quyết để khích lệ anh. Một lần nữa, chúng ta được chứng kiến sức mạnh của đức tin : Mạnh hơn bạo lực đàn áp, mạnh hơn mọi mất mát mà tinh thần và mạnh hơn cả sự chết.
Khôn Ngoan hay dại dột
Laurensô Ngôn chào đời năm 1840 trong một gia đình đạo dức thuộc xứ Lục Thủy (huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định), một xứ đạo lâu đời của giáo phận Trung. Song thân là ông Đaminh và bà Maria Thảo. Anh đã lập gia đình và là một gia trưởng gương mẫu yêu thương vợ con. Một lần anh bị bắt và bị buộc chối đạo, có lẽ vì nặng lòng với gia đình, nhưng lại không thể bất trung với Chúa, anh đã hối lộ tiền cho quan để được tự do.
Cuộc bách hại đạo thời vua Tự Đức ngày càng khốc liệt. Chiếu chỉ cấm đạo cuối cùng vua ban hành ngày 05.08.1861 đã gieo rắc biết bao khốn khổ đau thương cho những người dân vô tội. Chiếu chỉ này làm cho hầu như các cơ sở của Giáo Hội bị tàn phá hoặc bị tịch thu. Hầu hết tài sản ruộng đất của người Công Giáo bị cướp bóc đốt phá và phân chia cho người ngoại giáo. Giáo hữu bị thích hai chữ "Tả Đạo" vào má, và cứ năm người ngoại giáo quản lý một tín hữu. Giáo hữu, tu sĩ bị bắt, và đa số bị chết rũ tù hoặc tử đạo, một số chốn lên rừng sâu chết đói hoặc chết bệnh dần dần… Trong lịch sử bách hại của giáo hội hoàn cầu, hiếm có nơi nào bị bách hại vừa tinh vi vừa tàn bạo như thế.
Vào giai đoạn cao điểm này, anh Laurensô Ngôn đã bị bắt quân lính ; lần thứ hai ngày 08.09.1861, anh bị giải về phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Trong tù vì lo lắng cho gia đình, anh tìm cách trốn về để trấn an và khuyến khích cha mẹ, vợ con bền chí trung thành với đức tin, rồi anh trở lại trại giam. Quan truyền lệnh đóng gông và giải anh sang nhà giam An Xá, thuộc huyện Đông Quan.
Trong ngục tù, anh Ngôn chịu nhiều khổ nhục vì danh Thày Chí Thánh. Thế mà anh vẫn chưa lấy làm đủ, anh còn ăn chay mỗi tuần ba lần, va anh thường hối tiếc ăn năn mỗi khi hồi tưởng những lầm lỗi trước đây. Ngoài ra, anh Ngôn luôn an ủi khích lệ các bạn tù can đảm chấp nhận mọi cực hình, đừng bao giờ xúc phạm đến Thiên Chúa. Lời anh còn được cac bạn tù nhắc nhở : "Chúng ta hãy bền vững kiên trì, dù bị đòn đánh tra tấn giã man. Chúng ta hãy lo lắng sợ hãi khi nghĩ tới tội chà đạp Thánh Giá ".
Lần kia quan án gọi anh và dụ dỗ : "Anh còn trai trẻ, sao lại dại dột muốn chết ? Hãy bước qua Thập Tự, anh sẽ được trả về với gia đình". Anh ngôn trả lời:
"Tôi giữ đạo tôn thờ Chúa tể trời đất. Thập Giá là phương thế Thiên Chúa đã dùng để cứu độ nhân loại, tôi chỉ có thể tôn kính chứ không bao giờ chà đạp. Nếu quan cho tôi sống tôi cám ơn quan, còn không, tôi sẵn sàng vui lòng chịu chết vì đức tin vào Chúa tôi".
Trong một cuộc tra tấn khác, khi quân lính tìm cách bắt anh chà đạp lên Thánh Giá thì lúc đó anh lại qùy phục xuống và kính cẩn cúi lậy Thánh Giá. Thái độ trung tín, hiên ngang đó khiến các quan càng tức giận, họ đã lên án trảm quyết anh.
Vinh hiển vĩnh hằng
Tám tháng rưỡi sau ngày bị bắt, người tôi trung Lourensô Ngôn đã được diễm phúc đổ máu ra vì danh Đấng đã hy sinh mạng sống cho anh cùng toàn thể nhân loại. Trước sự chứng kiến của hai người thân nhất: thân mẫu và người vợ hiền, anh Ngôn đã hiên ngang bước ra pháp trường An Triêm (Nam Định) lãnh phúc tử đạo ngày 22.05.1862.
Tại kinh thành Muôn Thuở Vatican, trong Vương Cung Thánh Đường Phêrô, ngày 29.04.1951, người thanh niên can trường Laurensô Ngôn đã được vị đại diện Đức Kitô dưới trần gian, Đức Piô XII suy tôn lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.
"Ước gì những người chịu đau khổ vì nghèo khó tật nguyền, đau yếu và người thử thách khác: chịu bách hại vì công chính, cũng biết kết hợp cách đặc biệt với Chúa Kitô, Đấng đã chịu đau khổ để cứu chuộc thế giới. Vì Chúa đã tuyên bố họ là người có phúc, và vì Thiên Chúa của mọi người ơn phúc, Đấng đã kêu gọi chúng ta đến sự vinh hiển muôn đời trong Chúa Giêsu Kitô, sau khi chúng ta chịu khổ trong thời gian ngắn. Chính ngài sẽ làm cho chúng ta hoàn hảo, vững chắc và mạnh mẽ (1Pr 5,10)". (Hiến chế giáo hội, số 41).
Đúng 100 năm sau cái chết kiên cường của người thanh niên trẻ trung : Laurensô Ngôn, lời huấn dạy của công đồng chung Vatican II như đã lập lại chính những gì mà anh Ngôn cùng bao vị tử đạo thời đại anh đã thể hiện.